Diễn Đàn Học Sinh Nguyễn Dục-Tam Dân- Phú Ninh- Quảng Nam Mái nhà tình bạn |
| | Bài gửi | Thời gian | Người gửi | |
|
|
| | |
| VIET NAM GIAI DOAN 1919 - 1930 phan 1 | |
| | Thu Feb 24, 2011 5:14 pm | | [Thành viên] - haitd Cấp: MEMBER | Tổng số bài gửi : 39 Join date : 21/02/2011 Age : 33 Đến từ : tam ky
|
| | Tiêu đề: VIET NAM GIAI DOAN 1919 - 1930 phan 1 | |
| | | | | | Nguồn : Http://www.nguyenduc.sos4um.com/t74-topic
Tiêu Đề : VIET NAM GIAI DOAN 1919 - 1930 phan 1
http://nguyenducpn.tk - Kết Nối Cộng Đồng Nguyễn Dục Online -------------------------------------------------- VIET NAM GIAI DOAN 1919 - 1930 VIỆT NAM TỪ SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ NHẤT ĐẾN NĂM 1930
I. CHƯƠNG TRÌNH KHAI THÁC THUỘC ĐỊA LẦN THỨ II CỦA THỰC DÂN PHÁP VÀ NHỮNG CHUYỂN BIẾN CỦA XÃ HỘI VIỆT NAM 1. Thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ II Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất thực dân Pháp đổ xô sang các thuộc địa để khai thác vơ vét, bóc lột nhằm phục vụ cho khôi phục kinh tế chính quốc và tiếp tục phát triển tư bản. Ở Đông Dương, Toàn quyền Pháp là Albert Sarraut trước khi hết nhiệm kỳ lần thứ hai, đã hứa hẹn trên báo chí về những cải cách mới rộng rãi ở thuộc địa, theo đó cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp được triển khai trên quy mô ngày càng lớn. Đông Dương trong chiến tranh đã tỏ ra là một thuộc địa quan trọng và béo bở nên sau chiến tranh, trong chương trình khai thác thuộc địa mới, tư bản Pháp đẩy mạnh đầu tư vào Đông Dương. Từ năm 1924 đến 1929 riêng tư bản tư nhân đã đầu tư trên 3 tỉ france (từ năm 1888 - 1918 tư bản tư nhân đầu tư vào Đông Dương 492 triệu france). Một số ngành thu hút đầu tư lớn những năm 1924 - 1929 là: nông nghiệp (1.272,6 triệu france), mỏ (653,7 triệu france), công nghệ chế biến (606,2 triệu france), thương mại (363,6 triệu france), giao thông vận tải (104,2 triệu france)… Nông nghiệp là ngành xếp thứ tư trong cuộc khai thác lần trước, lần này nông nghiệp đứng hàng đầu với tốc độ đầu tư tăng vọt từ 52 triệu france (năm 1924) lên 400 triệu france (năm 1927). Cây lúa, cây cao su là hai loại cây trồng chính trong nông nghiệp Việt Nam sau chiến tranh. Diện tích trồng cao su tăng nhanh từ 31.200 ha (1924) lên 99.678 ha (1930), chủ yếu là ở Nam Kỳ (94.804 ha), sản lượng thu hoạch được cũng tăng nhanh: 200 tấn nhựa năm 1913, 6.796 tấn nhựa năm 1924, 10.308 tấn nhựa năm 1929, từ 1924 - 1929 đã xuất cảng 70.417 tấn nhựa chủ yếu sang Pháp (74%). Tuy thế cao su chỉ đem lại 1/80 giá trị sản lượng nông nghiệp thuộc địa, lúa mới là nguồn lợi nhuận chính bởi vì ít vốn, thu lợi nhanh và chắc chắn. Đồn điền lúa ở Việt Nam đến năm 1929 - 1930 là 285.000 ha nhưng diện tích trồng lúa ngoài các đồn điền còn lớn hơn gấp bội và phương thức phát canh thu tô vẫn là chủ yếu để phát triển nghề lúa. Lượng lúa gạo xuất cảng ở Việt Nam sau chiến tranh tiếp tục tăng lên, năm 1919 là 967.000 tấn, năm 1924 là 1.230.000 tấn, năm 1928 là 1.798.000 tấn… Ngoài ra cơ cấu trồng trọt cũng đã được thay đổi từ trước, vì thế sau chiến tranh càng mở rộng, nhất là các cây trồng mang lại nguồn sản phẩm nhanh để xuất khẩu như cà phê, chè, mía, bông, dừa, hồ tiêu… Về công nghiệp, tư bản Pháp đầu tư vốn đứng hàng thứ hai, nhưng kinh doanh trong công nghiệp vẫn làm bùng nổ những cơn sốt mỏ cùng sự đẩy mạnh những ngành công nghệ nhẹ, công nghệ chế biến… Lợi nhuận từ mỏ đã có sức hút lớn nhất, nếu năm 1920 chỉ có 673 giấy phép thăm dò mỏ thì năm 1929 có tới 17.685 giấy. Từ đó ngành khai khoáng tiếp tục vị trí hàng đầu trong công nghiệp thuộc địa, nó đem lại giá trị hàng năm ngày một lớn: 4.600.000 đồng Đông Dương (1919) lên 11.400.000 đồng (1929). Cùng với khai khoáng phát triển ồ ạt là sự mở rộng quy mô các cơ sở công nghiệp khác và sự ra đời thêm hàng loạt công ty công nghiệp mới, nhất là từ năm 1924 trở đi. Công ty than Bắc Kỳ tăng đầu tư từ 4.000.000 france (1888) lên 38.400.000 france (1928), công ty cao su Đông Dương tăng vốn từ 1.500.000 france (1910) lên 15.000.000 france (1929), công ty bông vải sợi Bắc Kỳ vừa tăng thêm vốn đầu tư, vừa mở rộng quy mô từ Hà Nội xuống Nam Định, Hải Phòng, sang Phnôm - Pênh… Các công ty than Hạ Long, công ty than và kim khí Đông Dương, công ty thiếc Chợ Đồn và nhiều cơ sở khai thác mỏ sắt, kẽm, crôm, kền… lần lượt ra đời. Các ngành xay xát, ấn loát, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm và các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng đua nhau mở rộng hoặc mọc lên loang nhanh trên các đô thị. Giao thông vận tải cũng kịp thời phát triển phục vụ cho công cuộc khai thác. Đến năm 1931 Việt Nam đã có 24.000km đường quốc lộ, trong đó 15.000km được rải đá nhựa, nối liền các địa phương trong cả nước. Tuyến đường xuyên Việt tiếp tục được hình thành gồm cả đường bộ và đường sắt. Xe ôtô và xe lửa dần dần trở thành phương tiện vận tải phổ biến, chỉ riêng ôtô ở toàn Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) năm 1921 có 250 xí nghiệp với 700 chiếc, đến năm 1932 có 3.400 xí nghiệp với 4.300 chiếc. Thương mại ở Việt Nam sau chiến tranh trở lại tình trạng như trước chiến tranh, thực dân Pháp độc quyền hoạt động xuất nhập khẩu. Quy mô công cuộc khai thác thuộc địa ngày càng lớn, nên không những xuất nhập khẩu tiếp tục tăng nhanh, mà việc buôn bán trao đổi nội địa cũng không ngừng mở rộng. Gạo, than, cao su là 3 mặt hàng xuất khẩu chính của Việ Nam (chiếm 74,5% tổng kim ngạch xuất khẩu) chủ yếu sang Pháp. Hàng nhập khẩu cũng chủ yếu từ Pháp với các loại xa xỉ phẩm, hàng tiêu dùng, một ít máy công cụ… Thị trường trong nước đã có sự thống nhất giữa các xứ với các lực lượng thương nhân ngày càng đông đảo. Cùng với nền kinh tế chuyển biến ngày một nhanh, nên chính trị ở thuộc địa Việt Nam cũng có những thay đổi theo chiều hướng phục vụ kịp thời cho công cuộc thực dân của người Pháp. Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ mở rộng thêm với số thành viên người Việt tăng từ 6 lên 10 người. Các phòng tư vấn ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ được đổi thành các Viện Dân Biểu (năm 1926), một số cơ quan trung gian được lập thêm như Phòng Thương mại và Canh nông, Hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương. Ở nông thôn thì Hội đồng Tộc biểu được dựng lên thế chỗ cho Hội đồng Kỳ hào. Tại Nam Kỳ còn có sự bổ sung quy chế cho người bản xứ vào làng Tây… Có thể thấy rõ sau chiến tranh thực dân Pháp không thể cai trị thuộc địa như trước được nữa; còn người dân bản xứ cũng đã hiểu rõ hơn giá trị của dân chủ tự do, rằng muốn có cần phải đấu tranh mới giành lấy được. Về văn hóa giáo dục, chính sách ngu dân thì không thay đổi nhưng nền giáo dục học thuật cũ thì không còn phù hợp, cần thiết lập nền giáo dục mới kiểu Pháp thay thế vào. Một hệ thống trường sở đào tạo và nghiên cứu đủ để hoàn thiện giáo dục một con người được hình thành. Tuy vậy, đối với đại đa số quần chúng nhân dân thì giáo dục ấy rất xa vời. Cả Việt Nam số người đi học từ vỡ lòng đến đại học chỉ chiến 1,8% dân số. Nam Kỳ năm 1924 chỉ có 12 % số trẻ em đến tuổi được đi học và cả nước số trẻ đến lớp đúng độ tuổi chỉ 6%. Như thế, sự phát triển giáo dục mới chỉ là thứ bánh vẽ và mang tính chất tượng trưng. Trong lĩnh vực báo chí công khai, Pháp cho phát triển tự do những sách báo có lợi cho chủ nghĩa thực dân. Báo tiếng Pháp và tiếng Việt ở cả Nam - Trung - Bắc đều xuất hiện rầm rộ, nhất là từ năm 1923. Tính theo ấn phẩm có nộp lưu chiểu thì năm 1922 có 96 tờ báo, tạp chí, tập san (trong đó Bắc Kỳ 36 tờ tiếng Pháp, 8 tờ tiếng Việt, Nam Kỳ có 29 tờ tiếng Pháp và 10 tờ tiếng Việt, Trung Kỳ có 2 tờ tiếng Pháp và 1 tờ tiếng Việt). Đến năm 1925 có 121 tờ (trong đó Bắc Kỳ có 69 tờ, Nam Kỳ có 49 tờ), năm 1929 có 153 tờ (trong đó Bắc Kỳ 72 tờ, Nam Kỳ 71 tờ, Trung Kỳ có 10 tờ). Bên cạnh các tờ báo, tạp chí tiếp tục tuyên truyền cho công cuộc thực dân như Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, Gia Định Báo… các tờ báo, tạp chí mới như Tiếng Chuông Rè, An Nam, Hữu Thanh, Tiếng Dân… lại tuyên truyền cho tư tưởng tiến bộ và cách mạng. Các Thư xã như Nam Đồng Thư Xã, Giác Quần Thư Xã… là nơi tập hợp nhiều tri thức tiến bộ, xuất bản nhiều tác phẩm có tếng vang lớn. Báo chí cách mạng từ giữa năm 1925 trở đi bắt đầu xuất hiện, chủ yếu phát hành bí mật. Tờ “Thanh Niên”, tác phẩm “Đường Cách Mệnh” và nhiều tờ báo, tạp chí các mạng khác những năm 1925 - 1930 đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. 2. Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam Trước tác động công khai của công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, xã hội Việt Nam tiếp tục bị phân hóa sâu sắc, trong đó có các giai cấp mới đã kết thúc quá trình ra đời để bước vào đấu trường cách mạng. + Giai cấp công nhân sau hơn 30 năm hình thành và phát triển đến năm 1929 đã có lực lượng 220.000 công nhân chuyên nghiệp. Tuy số lượng chỉ chiếm 1,3% dân số nhưng đây cũng là tình trạng chung của các thuộc địa. Mặt khác, giai cấp công nhân quốc tế, lại mang những đặc điểm riêng của một dân tộc đang đấu tranh chống đế quốc phong kiến. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phong trào công nhân quốc tế chịu ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, đã phát triển mạnh mẽ và tác động đến các thuộc địa giai cấp công nhân Việt Nam đã hòa vào không khí đó để đấu tranh và trưởng thành. Đặc biệt, những năm 20 của thế kỷ này sự truyền bá chủ chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam đã giúp cho giai cấp công nhân rút ngắn thời kỳ phát triển tự phát của mình để chuyển sang thời kỳ tự giác. Đến đầu năm 1930 giai cấp công nhân đã thành lập được Bộ Tham mưu giai cấp của mình là Đảng Cộng Sản Việt Nam. + Giai cấp tư sản Việt Nam sau chiến tranh không còn điều kiện thuận lợi như trong thời kỳ chiến tranh, nhưng cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai vẫn lôi cuốn họ tiếp tục phát triển trưởng thành. Lực lượng ngày một đông ở cả 3 kỳ, tư sản Việt Nam có mặt ở hầu hết các ngành Công - Nông - Thương, nhưng vốn liếng của họ chỉ bằng 5% so với vốn tư bản nước ngoài. Trong quá trình làm ăn phát triển, tư sản Việt Nam lại không thể đoạn tuyệt mà còn phải liên hệ thường xuyên với cả đế quốc lẫn phong kiến và tư bản ngoại quốc khác. Tư sản Việt Nam sớm có ý thức đấu tranh giai cấp nhưng không vượt qua được hạn chế yếu đuối của mình để kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc. + Tiểu tư sản thành thị tăng trưởng không ngừng từ đầu thế kỷ XX đến sau đại chiến. Năm 1929 các thành thị có khoảng 500.000 dân và theo đà phát triển của các đô thị, các bộ phận tiểu tư sản ở đây sẽ tiếp tục chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong cơ cấu dân cư. Mặt khác sau chiến tranh, các giai cấp tư sản và vô sản đều trường thành nhanh, sự du nhập tư tưởng mới cùng với sự chuyển biến nền kinh tế - xã hội trong nước diễn ra dồn dập, cuộc đấu tranh xã hội trong hoàn cảnh mới này cũng ngày một sổi nổi… Trong điều kiện ấy, tiểu tư sản đã vươn lên về chính trị, trở thành lực lượng đấu tranh yêu nước khá hùng hậu ở các đô thị và có những bộ phận đã dũng cảm giương lên ngọn cờ dân tộc tư sản. + Địa chủ phong kiến và nông dân, thợ thủ công ở nông thôn là hai giai cấp có số lượng lớn đông đảo nhất trong xã hội và sự phân hóa của các giai cấp này sau chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng đã có ở đầu thế kỷ XX. Địa chủ phong kiến thống trị thì ngày càng lún sâu vào con đường làm tay sai cho ngoại bang khai thác bóc lột nhân dân; còn nông dân bị trị thì không ngừng bị bần cùng hóa và không lối thoát, đã nổi dậy đấu tranh và sẵn sàng đi theo các giai cấp tiên tiến làm cuộc cách mạng xã hội. Sự phân hóa thuần thục của xã hội Việt Nam dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa làm cho các giai tầng trong xã hội bộc lộ hết khả năng và bản chất của mình. Mâu thuẫn xã hội giữa toàn thể dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa đế quốc, giữa các giai cấp bị trị mà đại biểu đông nhất là nông dân và giai cấp thống trị mà đại biểu đông nhất là địa chủ phong kiến, ngày càng gay gắt, không thể điều hòa. Phong trào đấu tranh cách mạng bùng nổ mạnh mẽ sau chiến tranh, trước hết bắt nguồn từ những mâu thuẫn căn bản đó. Công cuộc đấu tranh cách mạng giai đoạn này sẽ rất gay go, quyết liệt, phức tạp khi các giai cấp cùng xung trận sau quá trình phát triển trưởng thành. Cách mạng Việt Nam đi đến đâu là tùy thuộc trước hết ở việc giai cấp nào giành được bá quyền lãnh đạo cách mạng. Đó cũng là nội dung chủ yếu của thời kỳ có tính chất bản lề, mười năm sau chiến tranh (1919 - 1929). II. PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI 1. Phong trào yêu nước Sau chiến tranh thế giới lần I, dưới ảnh hưởng hoàn cảnh lịch sử mới (cả trong nước và thế giới), phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam có bước phát triển mới, với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều hình thức đấu tranh phong phú, nhất là phong trào ở đô thị. - Giai cấp tư sản dân tộc nhân đà làm ăn thuận lợi từ trong chiến tranh muốn vươn lên giành lấy vị trí khá hơn trong nền kinh tế Việt Nam sau chiến tranh. Năm 1919, tư sản gây phong trào “chấn hưng hàng nội hóa, bài trừ hàng ngoại hóa”. Thực chất đây là cuộc xung đột quyền lợi của tư sản Việt Nam với các thế lực tư bản nước ngoài. Năm 1923, tư sản dân tộc lại tổ chức đấu tranh chống độc quyền xuất nhập khẩu cảng Sài Gòn và độc quyền xuất khẩu lúa gạo Nam kỳ của tư bản Pháp. Về chính trị, một số tư sản và địa chủ lớn ở Nam kỳ (đại biểu là Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long…) đứng ra tổ chức Đảng Lập hiến để tập hợp lực lượng, rồi đưa ra một số khẩu hiệu đòi tự do dân chủ để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, dùng áp lực quần chúng để đòi Pháp nhiều quyền lợi. Nhưng khi được thực dân Pháp nhượng bộ cho ít quyền lợi như cho tham gia Hội đồng Quản hạt Nam kỳ thì họ sẵn sàng thỏa hiệp với Pháp. Đến đây thì họ bị phong trào quần chúng vượt qua. Từ năm 1925, khi phong trào quần chúng lên cao, những người theo Đảng Lập hiến chuyển từ chủ nghĩa quốc gia dân tộc cải lương sang lập trường chính trị phản động, gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa thực dân. Đến đây phong trào tư sản xẹp xuống. - Tiểu tư sản trí thức đã thể hiện lòng yêu nước của mình bằng nhiều cách. Ngoài việc tham gia vào các phong trào yêu nước, dân chủ công khai lúc bấy giờ, họ đã tập hợp nhau lại trong những tổ chức yêu nước mới, tiến hành đấu tranh có tổ chức. Nhiều tổ chức chính trị yêu nước của trí thức, nhà văn, nhà giáo, nhà báo, thanh niên, sinh viên, học sinh… đã ra đời, như Tâm Tâm Xã (1923), Việt Nam Nghĩa đoàn (1925), Hội Phục Việt (1925), Đảng Thanh Niên (1926)… Các tổ chức đã cho ra đời những tờ báo tiến bộ, như Chuông Rè, An Nam, Nước Nam trẻ, Người nhà quê… ở Sài Gòn hoặc Hữn Thanh ở Hà Nội… Họ còn lập ra những nhà xuất bản tiến bộ, nhưng Cường học Thư xã (Sài Gòn), Nam Đồng thư xã (Hà Nội)… Họ dùng sách báo làm phương tiện truyền bá tư tưởng yêu nước, tiến bộ, nêu quan điểm, lập trường chính trị của mình. Các tổ chức cũng đẩy mạnh các hoạt động yêu nước, như tổ chức những cuộc biểu tình, mít tinh…, những cuộc đấu tranh công khai, hợp pháp và cả đấu tranh bất hợp pháp. Hoạt động có tiếng vang mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ là vụ Phạm Hồng Thái mưu sát Toàn quyền Méclanh, vụ đòi thả Phan Bội Châu và vụ để tang Phan Châu Trinh. Tháng 6-1924, Toàn quyền Đông Dương Méclanh sang Nhật và Trung Quốc để câu kết với chính quyền phản động hai nước này phá hoại cách mạng Việt Nam. Tâm Tâm Xã giao cho Phạm Hồng Thái trừ khử Méclanh trong dịp này. Nhân lúc Méclanh nghỉ tại Sa Diện (Quảng Châu - Trung Quốc), Phạm Hồng Thái cải trang thành phóng viên nhiếp ảnh vào khách sạn ném tạc đạn vào bàn tiệc chiêu đãi Méclanh. Kết quả 4 tên thực dân đi cùng chết tại chỗ, 2 tên bị thương nhưng rất tiếc Méclanh thoát chết. Bị vây đuổi ráo riết, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang tự vẫn. Cuộc mưu sát không thành, nhưng hành động dũng cảm của Phạm Hồng Thái đã gây tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước. Sau chiến tranh thế giới lần I, Phan Bội Châu tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc. Giữa năm 1925, ông bị Pháp bắt ở Thượng Hải và bí mật đưa về Việt Nam giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Mặc dù Pháp bưng bít nhưng một phong trào quần chúng đòi thả Phan Bội Châu bùng lên sôi nổi trong cả nước, lan tận sang Pháp. Cuối cùng, thực dân Pháp phải tha bổng Phan Bội Châu, nhưng chúng giam lỏng ông ở Huế cho đến khi qua đời. Năm 1925, sau một thời gian bị đưa sang Paris, thực dân Pháp đưa Phan Châu Trinh về lại Việt Nam với mục đích lợi dụng tư tưởng cải lương "Pháp - Việt đề huề" của ông để đánh lạc hướng phong trào cách mạng đang lên. Nhưng chỉ sau một năm, ngày 24-3-1926, Phan Châu Trinh qua đời sau một trận ốm nặng. Cái chết đột ngột của Phan Châu Trinh đã khơi dậy mối cảm tình, thương tiếc sâu sắc của nhân dân trong cả nước. Tại Sài Gòn, đám tang đưa Phan Châu Trinh về nơi an nghỉ cuối cùng đã lôi cuốn đến 14 vạn người đủ mọi tầng lớp xã hội, bất chấp sự ngăn cấm của thực dân Pháp. Trong những năm 1925 - 1926 còn có phong trào của các lực lượng dân tộc dân chủ đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, đón rước Bùi Quang Chiêu… 2. Phong trào công nhân Sau chiến tranh Thế giới I, phong trào công nhân cũng có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Các hình thức đấu tranh như bỏ việc, phá giao kèo, đánh bọn cai ký, biểu tình tập thể đưa yêu sách, đặc biệt nhất là bãi công - một hình thức đấu tranh đặc trưng của công nhân chống lại chủ tư bản - được áp dụng phổ biến trong giai đoạn này. Trước hết có thể kể đến là các cuộc đấu tranh của công nhân và thủy thủ Pháp tại Việt Nam (1919), tiếp đó là của công nhân va thủy thủ Trung Quốc tại các cảng lớn như Hồng Kông, Thượng Hải (1921)… đã có ảnh hưởng lớn, góp phần cổ vũ, động viên công nhân Việt Nam hăng hái đấu tranh. Năm 1920, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn bí mật lập ra Công Hội Đỏ do Tôn Đức Thắng đứng đầu. Năm 1922, công nhân viên chức các cơ sở công thương của tư nhân ở Bắc kỳ bãi công đòi nghỉ ngày Chủ nhật có lương. Tháng 11-1922, 600 thợ làm tại các lò nhuộm ở Chợ Lớn đấu tranh phản đối chủ cắt bớt lương. Năm 1924 nổ ra nhiều cuộc bãi công của công nhân các nhà máy dệt, rượu, xay gạo ở Nam Định, Hà Nội, Hải Dương… Đáng chú ý nhất cuộc bãi công của hơn 1.000 công nhân xưởng máy Ba Son (Sài Gòn) vào tháng 8-1925. Tháng 8/1925, thực dân Pháp đưa đến xưởng Ba Son chiếc tàu chiến Jules Michelet để sửa chữa và sau đó sẽ chở binh lính đi đàn áp cách mạng Trung Quốc. Trước tình hình đó, Tôn Đức Thắng cùng ban chấp hành Công Hội lãnh đạo công nhân Ba Son đấu tranh bãi công và sau đó tìm cách lãn công nhằm kéo dài thời gian sửa tàu Michelet để làm chậm bước đi của quân Pháp, góp phần giúp đỡ cho phong trào cách mạng Trung Quốc. Cuộc bãi công thắng lợi của công nhân Ba Son đã phản ánh trình độ tổ chức, ý thức giác ngộ cách mạng và tinh thần quốc tế vô sản của đội ngũ công nhân Sài Gòn nói riêng và cho cách mạng Việt Nam nói chung. Cuộc bãi công Ba Son còn đánh dấu bước tiến mới của phong trào công nhân Việt Nam, mở đầu thời kỳ giai cấp công nhân Việt Nam đi vào đấu tranh tự giác. | | | | |
Copy đường link dưới đây gửi đến nick yahoo bạn bè! |
|
|
Trang 1 trong tổng số 1 trang | | * Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc. * Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết. * Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.-Nếu chèn smilies có vấn đề thì bấm A/a trên phải khung viết bài
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
|
| | Copyright © NguyenDucPN.Tk 2009 - 2010 Powered by phpBB2 - GNU General Public License. Host in France. Support by Forumotion. Xem tốt nhất ở độ phần giải 1280x1024 hoặc lớn hơn và trên trình duyệt Firefox |